Rượu Phú Lễ
Kể chuyện làng nghề trăm tuổi kỳ 2
ngày 26 tháng 02, 2025

⛈🌧 Mấy bữa rày mưa bão, Tám Lầy tui rầu thúi ruột. Gì chứ trời mưa thì Bác Ba Dân đâu có làm men, rồi bác Năm Luông lấy gì kháp rượu? Nói thiệt, trời mưa có ly rượu nếp mùa Ba Tri thơm lừng, uống vào tới đâu ấm tới đó, đãaa lắm. Ấm người rồi, Tám tui làm thêm ly nữa, kể cho anh em nghe chuyện làng nghề kỳ 2 nè.

✨Kỳ 2: Nghệ nhân Hạ Chí Luông _ bàn tay vàng “giữ lửa” lò rượu trăm năm.


Bà con ở đây quen gọi ông là ông Năm, truyền nhân đời thứ 3 của một gia tộc kháp rượu có tiếng nhất làng nghề.

Đưa tay nhẹ nhàng cời trấu, ông Năm bồi hồi kể: “Tui lớn lên đã thấy mẹ tui kháp rượu mỗi sáng sớm. Thời đó, trời buổi sáng lạnh lắm. Tui quấn theo chân mẹ bên bếp lửa, được mẹ cầm tay chỉ cách cời trấu, châm thêm trấu để bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Mà ngọn lửa phải liu riu thì rượu ra mới đằm, mới thơm. Hôm nào lười biếng, tui đổ trấu đầy lò rồi bỏ đi chơi, lửa cháy lớn nên rượu bị “thét”, má tui buồn buồn làm tui áy náy hoài. Không biết từ hồi nào, tui tự dưng nghe tiếng rượu chảy ra mà biết rượu mấy độ, mẻ đó “rượu thất” hay “rượu trúng”.
Nghe ông Năm kể việc chụm lửa thôi mà Tám tui thán phục, một công đoạn nấu rượu thôi mà công phu dữ vậy trời.

Ngồi trong gian nhà kháp rượu, Tám Lầy tui ngây ngất hít hà mùi rượu thơm ngát, mùi cơm nếp dìu dịu, mùi men nồng nồng, mùi chua thanh thanh của cơm da. Mỗi công đoạn đều có mùi vị màu sắc riêng. Thật trân quý người nghệ nhân đã khéo léo phối trộn, tỉ mỉ cân đong đo đếm trong từng công đoạn, từ nấu cơm nếp, rắc men, ủ suốt bảy ngày đêm để thành cơm da rồi canh lửa cả ngày để kháp rượu. Tám tui hiểu vì sao mỗi giọt rượu ra lò có hương nồng vị đượm như tấm lòng yêu nghề của người nghệ nhân.
Có dịp, Tám Lầy mời anh em ghé thăm cụ Năm Luông, tham quan làng nghề Phú Lễ danh bất hư truyền hàng trăm năm qua nhé.
Hẹn anh em kỳ tới mình lai rai kể chuyện tiếp hen.