Rượu Phú Lễ
Ham học như vợ chồng nhà Phú Lễ
ngày 28 tháng 07, 2023

“Nếu người trẻ ai cũng điềm nhiên, còn ai là người giữ sắc hồn đất nước?” – đó là một câu được viết đâu đó trong tập tài liệu giới thiệu làng nghề Phú Lễ ở Bến Tre, và là lý do tôi đi tìm gặp cho được, và quen biết vợ chồng nhà sáng lập chuỗi hợp tác hoạt động lạ lùng này.

Chị Lê Thanh Trúc ngồi với các nhà văn hóa cao niên của Bến Tre, lễ phép dạ thưa nhưng có phần dõng dạc và tự hào khi nhắc về cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, một cái tên làm rạng danh mảnh đất này. Anh Trần Anh Thuy, bạn đời của chị, bình thường uy dũng với đủ vai trò hội doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương, lại ngồi yên nhìn chị đầy âu yếm.

Chú Bảy, chuẩn bị 80 tuổi, đang làm chủ tịch Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh Bến Tre, hỏi lại: “Ủa làm rượu cổ truyền Phú Lễ mà sao nói mấy chuyện giáo dục lịch sử rành rọt vậy con?”. Chị Trúc thưa: “Dạ, ngoài việc giữ gìn làng nghề truyền thống là di sản văn hóa ẩm thực địa phương, tụi con còn làm doanh nghiệp xã hội Biz Educo, lo chuyện hướng nghiệp miễn phí cho mấy em nhỏ quê mình…”. 

Ham học ham làm 

“Nếu người trẻ ai cũng điềm nhiên, còn ai là người giữ sắc hồn đất nước?” – đó là một câu được viết đâu đó trong tập tài liệu giới thiệu làng nghề Phú Lễ ở Bến Tre, và là lý do tôi đi tìm gặp cho được, và quen biết vợ chồng nhà sáng lập chuỗi hợp tác hoạt động lạ lùng này. Đó là chuyện của đâu chừng hai thập niên trước, khi cả một ngôi làng làm nghề nấu rượu được hồi sinh, vận hành nhịp nhàng theo đúng quy củ và đặc biệt là niềm vui lan tỏa đầu làng cuối xóm, từ ông bà cụ râu dài tóc bạc cho tới đám nhỏ chạy tung tăng. Một anh bạn đi cùng nhìn cảnh này, nói: “Giống trong mấy video clip karaoke diễn cảnh làng quê thanh bình…”.

Vợ chồng nhà Phú Lễ: Trần Anh Thuy –  Lê Thanh Trúc


Thời đó, không mấy ai nói chuyện phát triển cộng đồng, nói chuyện fair trade – thương mại công bằng cùng kiến tạo giá trị. Tôi hồ nghi vợ chồng chị Trúc anh Thuy cũng không rành mấy khái niệm phức tạp này, chỉ đơn giản là họ làm theo cái bụng của mình mách bảo. Vậy nên, từ lúc lập nghiệp tới giờ, dù cho định hướng từ đầu là công ty cổ phần để mời nhiều đối tác cùng tham dự phát triển, tới giờ Phú Lễ cũng vẫn nhiêu đó thành viên trong cái làng nghề, vì họ đi tìm kiếm những người cùng hệ giá trị, mà xui rủi sao tìm hoài chưa thấy… 

Sau, chúng tôi hay gặp nhau ở trường doanh nhân PACE. Chị Trúc luôn là người đi học sớm và nghiêm túc nhất, mọi người nói vui chắc chỉ học bù cho anh Thuy còn lo chạy Đông chạy Tây lo nuôi nguyên cái làng nghề. Hình như lớp nào họ cũng đăng ký tham gia, xong có chuyên đề nào hay thì lại ráng đem về làng nghề Phú Lễ, có khi còn bạo gan mời luôn giáo viên, doanh nhân của tỉnh Bến Tre về nhà hát nghe chuyên gia Giản Tư Trung nói đề tài “Bàn về sự học”. Mà cái vụ tổ chức đầy người tới nhà hát của tỉnh nghe giảng bài này do chị Trúc làm thì tới giờ tôi mới biết, chứ lần đi tham dự không thấy nhắc gì tới người mời, hay phải quảng bá thương hiệu gì hết. Đúng là… lụi cụi làm những gì mình thấy có ích. 

Họ học thực, và áp dụng đâu đó những thứ học được trong công việc mình làm, nên nhìn hai vợ chồng lúc nào cũng thư thái thoải mái đi… mở công chuyện mới. 

Anh Trần Anh Thuy tại nhà máy rượu Phú Lễ. Rượu từ làng nghề Phú Lễ (ảnh trên) được tập trung về đây, lần lượt qua các khâu kiểm tra chất lượng, gia tăng giá trị trước khi đưa ra thị trường  


Chuyện “mới” mà họ làm, thì nhiều lắm. Mấy anh em ở Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nơi anh Thuy đang làm phó chủ tịch, nói là “hình như món gì mới mới là thấy vợ chồng này làm trước người ta một đoạn, xong bán luôn công ty đi chơi dung dăng dung dẻ làm người ta rất ganh tỵ”. Thí dụ như bây giờ mới ầm ĩ chuyện làm điện mặt trời, điện gió, thì vợ chồng này đã làm xong (và bán xong) từ chục năm trước. Cứ như vậy mà họ lặng lẽ học, lặng lẽ làm và lặng lẽ cho đi. 

Chọn sống “không điềm nhiên”

“Nếu người trẻ ai cũng điềm nhiên, còn ai là người giữ sắc hồn đất nước?” – tôi hay đem câu nói này hỏi lại vợ chồng nhà dung dăng dung dẻ. Vì đúng ra, người ta phải chọn sống điềm nhiên, bình thản đi giữa cuộc đời thì mới có vẻ hạnh phúc, thong dong chứ. Hóa ra không phải vậy. Chị Trúc, xuất thân là cô nữ sinh sư phạm, luôn thấy không thể điềm nhiên trước nhiều điều mà mình có thể xắn tay áo lên và làm gì đó. 

Làm gì đó, chính là sự cố gắng đem từng chút một những gì hay ho học được về những miền quê nghèo đang bị hạn mặn do biến đối khí hậu của Bến Tre. Là sự ra đời của doanh nghiệp xã hội làm hướng nghiệp cho học sinh để cùng các bạn trẻ tìm kiếm một hành trình công việc và cuộc đời nhiều giá trị cho mình trước những hoang mang của cuộc sống và thay đổi quá nhanh của xã hội.

Rồi việc nối tiếp việc, sáng kiến nối tiếp sáng kiến, không chỉ ở Bến Tre mà tới bất cứ nơi đâu trên nước Việt, họ làm hành trình mang tên “Thắp sáng hải đăng” để tìm kiếm nhân sinh quan cho các bạn trẻ, đặc biệt họ còn làm dự án “Tự điển từ hay từ khó tiếng Việt” mong góp một giọt nước vào đại dương để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam… 

“Thắp sáng hải đăng” – Hành trình tìm kiếm nhân sinh quan cho các bạn trẻ, là dự án giáo dục phi lợi nhuận khởi xướng bởi vợ chồng nhà Phú Lễ, xuất phát từ Bến Tre đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành

Chị Lê Thanh Trúc đại diện Quỹ chắp cánh – Quỹ học bổng hướng nghiệp trao học bổng cho học sinh Trường THPT Sương Nguyệt Anh (Ba Tri, Bến Tre), tháng 11.2022


Lo chuyện xa chuyện gần như vậy, chị Trúc vẫn cần mẫn học hỏi, yêu thương và lụi cụi đáp đền tiếp nối ngày ngày. Anh Thuy thì tham gia Quỹ Tương lai Bến Tre (BFF) – lại là một doanh nghiệp xã hội khác để lo “chuyện tương lai”.

Chuyện tương lai này, có thể là làm cái chuyện ôn cố tri tân như cuốn sách khảo cứu Người Bến Tre với mong muốn kết nối những người gốc gác xứ dừa trên toàn thế giới về phụ lo cho “tụi nhỏ” ở quê nghèo. Chuyện tương lai, có khi đơn giản là lụi cụi đi tìm thầy về dạy điện toán đám mây, vốn là thứ còn mới toanh chưa ai biết, vậy mà con nít nhà nghèo Bến Tre đi thi quốc tế có giải thưởng lớn. Chuyện tương lai, còn là chạy tới chạy lui lo cái học bổng cho vận động viên xứ dừa vừa có huy chương SEA Games mà vẫn “nhà nghèo quá, cần động viên để tụi nhỏ thấy mà tiếp tục phấn đấu”…

Tôi hỏi, giờ anh muốn làm gì nhất để đóng góp cho tương lai Bến Tre, câu trả lời hơi bất ngờ: Muốn chỉnh trang lại bia tưởng niệm nơi sinh và khu nhà cổ của gia đình học giả Trương Vĩnh Ký. Vậy là câu chuyện quay từ tương lai về đến quá khứ. Và vợ chồng họ say mê ngồi nói về Trương Vĩnh Ký, kể tới từng góc nhỏ trong khu bia tưởng niệm này cần được chỉnh trang cho con cháu hôm nay và ngày mai được tới tham quan để lấy động lực và niềm tự hào…

Chỉnh trang lại bia tưởng niệm nơi sinh và khu nhà cổ của học giả Trương Vĩnh Ký là tâm nguyện đang thực hiện của vợ chồng nhà Phú Lễ 


Cách làm tương lai từ nền tảng của quá khứ này thiệt là hay. Mấy chú nhà văn hóa cao niên đang ngồi chung đều có lời khen, và câu chuyện nhanh chóng đi xa tới Paris, nơi có nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến tìm gặp hậu duệ của cụ Trương Vĩnh Ký, tới những cựu học sinh của trường qua nhiều thế hệ. Anh Phúc Tiến hào hứng vô cùng, nói “được lắm, miễn có người trẻ mà chịu làm, thì cả xã hội sẽ nhào vô phụ chứ!”.

Vậy là anh Tiến xăng xái đi kết nối kết nối, mà học trò dưới mái trường Petrus Ký ngày xưa, chuyên Lê Hồng Phong ngày nay thì biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu tấm lòng. Tôi ghi vô sổ, đánh dấu ngẫu nhiên một ngày để hẹn nhau tới thăm bia tưởng niệm nơi sinh học giả Trương Vĩnh Ký, vì tin rằng câu chuyện chạm được niềm rung cảm của quá chừng người như vầy chắc chắn sẽ xong sớm thôi…

Ừ thì đúng là “Nếu người trẻ ai cũng điềm nhiên, còn ai là người giữ sắc hồn đất nước?”. 

Bài: Bung Trần – Ảnh: TLNV

(Báo Người đô thị)