Rượu Phú Lễ
Meet the “true” artisans of 3 generations of Phu Le craft village.
day 21 month 11, 2016

Từ những cánh đồng lúa đang độ chín vàng của đất Ba Tri – Bến Tre, men theo con đường nhỏ thanh tĩnh, băng qua đình làng Phú Lễ là đến nhà nghệ nhân Hạ Chí Luông và nghệ nhân Ba Dân – những “truyền nhân” cao tuổi nhất còn lại của làng nghề Phú Lễ.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những nếp nhà yên bình trong nắng sớm. Ở đó, những người nghệ nhân tóc đã bạc phơ, trọn một đời gắn với nghề truyền thống, vẫn đang tỉ mẩn đôi bàn tay thô ráp chuẩn bị từng vị thuốc Nam – Bắc để làm bài hồ men danh bất hư truyền…

Ba đời giữ gìn làng nghề trăm tuổi 

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, lưng đã còng, râu tóc đã bạc nhưng vừa nghe chúng tôi nhắc đến chữ “làng nghề Phú Lễ”, nụ cười trên gương mặt cụ Hạ Chí Luông đã rạng rỡ hẳn lên. Cụ nói, tính ra tuổi đời và tuổi nghề đã gần như một, bởi từ lúc còn là một cậu bé nói chưa sõi thì bàn tay tôi đã chạm vào viên hồ men, mắt đã nhìn thấy lửa liu riu trên bếp, tai đã nghe tiếng chày tán nhuyễn 36 vị thảo mộc bí truyền, và mũi đã ngửi thấy mùi nếp mùa óng mẩy thơm ngát ngoài đồng.

Nghề bí truyền rạng danh ở Phú Lễ cả trăm năm chính là nghề kháp rượu nhưng khác với bất kỳ làng nào khác, những giọt “mỹ tửu” ở mảnh đất Phú Lễ – Ba Tri từng tạo nên “kỳ tích” riêng, được chọn làm rượu tiến vua, được xem là thứ ngự tửu ẩn chứa tinh hoa trời đất, được vua Tự Đức dành ban cho các bậc công thần trong dịp lễ lớn.

ttn_3206

Những viên hồ men bí truyền đã làm nên phong vị đặc biệt của loại ngự tửu vua ban

Đưa chúng tôi về mái nhà cổ, nơi ủ men và kháp rượu bao đời, cụ Hạ Chí Luông và nghệ nhân Ba Dân có chút ngậm ngùi khi nhắc đến chuyện xưa. Cụ Hạ Chí Luông – người một đời gắn với làng nghề Phú Lễ nhớ lại: “Riêng nhà tôi đã 3 đời theo nghề. Có tiếng là ngự tửu dâng vua, nên người trong làng chăm chút đến từng hạt nếp, viên men, đến động tác ủ kháp để giữ cho trọn hương vị bí truyền xưa. Tỉ như chuyện chọn nếp. Nếp làm ra thứ mỹ tửu Phú Lễ là loại nếp dài ngày, dẻo thơm đặc biệt, óng mẩy chín vàng. Nếp nấu thành cơm, để nguội thì rải hồ men đã giã nhuyễn vào. Bài hồ men của ngự tửu Phú Lễ cũng được chăm chút, phải đủ 36 vị thuốc Nam – Bắc, theo đúng tỷ lệ mà thành. Cơm nếp trộn hồ men được đưa vào khạp sạch để ủ. Chờ 3 ngày cho cơm nếp lên men thành cơm da, tạo hương nồng đặc trưng thì cho nước vào theo tỉ lệ thích hợp và ủ tiếp. Đến khi ủ đủ bảy ngày đêm là lúc cơm da đã đạt độ chín, sẽ đem đi kháp. Khi kháp, muốn sản phẩm ngon phải để lửa liu riu đều tay. Lửa cao quá hoặc thấp quá cũng làm sản phẩm không ngon”.

Kể ra thì ngắn gọn đôi câu, nhưng theo chân hai nghệ nhân tuổi “tri thiên mệnh”, chúng tôi mới biết quy trình ủ kháp không chút giản đơn. Ngoài những công đoạn nghiêm ngặt còn có những yếu tố giúp tạo nên vị ngon cho sản phẩm – món quà của đất trời ban tặng mà không vùng nào khác thay thế được. Làm nên vị ngọt thơm, say nồng cho mỹ tửu Phú Lễ chính là loại nếp mùa Ba Tri hảo hạng. Bởi thế, theo lời nghệ nhân Ba Dân, dù về sau, bài hồ men bí truyền của Phú Lễ có bị “lưu lạc” thì cũng không nơi nào khác có thể sản xuất sản phẩm “bắt chước” phong vị của loại đệ nhất danh tửu này.

Sức sống bền bỉ của một làng nghề và tâm huyết của thế hệ “hậu nhân”

Nức tiếng xa gần như vậy, nhưng mỹ tửu Phú Lễ cũng từng có những bước thăng trầm. Ngồi cùng chúng tôi bên bếp lửa liu riu, nghệ nhân Ba Dân nhớ lại: “Nghề này theo chân những cư dân đầu tiên đến khai hoang đất Phú Lễ. Ngót nghét gần 200 năm, làng Phú Lễ xưa hầu như nhà nào cũng kháp rượu, nhưng cũng có những lúc nghe ông bà xưa kể rằng nghề này bị cấm, phải giấu ở bưng đìa. Cũng may người làng vốn tâm huyết muốn giữ nghề bí truyền của tổ tiên nên công thức mới không bị thất truyền. Khi đất nước thanh bình, làng rộn ràng trở lại nghề xưa thì lại là lúc phát sinh một khó khăn mới. “Thấy mỹ tửu này khắp nơi biết tới nên người ta bắt đầu làm vội, có khi sản phẩm bị hạ phẩm chất, không còn được như xưa. Vốn dĩ loại ngự tửu này đâu có dễ làm. Sản phẩm ra lò chưa dùng ngay còn phải được hạ thổ 100 ngày, hấp thụ âm dương của đất trời cho thật “nhuần”. Lúc sản phẩm bị làm dối, làm sai quy trình, những nghệ nhân mấy đời gắn bó với nghề như chúng tôi đau lòng lắm!”.

ttn_3426

Cụ Hạ Chí Luông – người một đời gắn bó với nghề kháp mỹ tửu

Trong cái khó có cái may, cụ Hạ Chí Luông lần giở những trang giấy ngả màu, ghi chép lại từng ký ức cũ cho chúng tôi biết: Năm 2004, trước thực trạng làng nghề đang dần mai một, nếu không giữ sẽ mất đi nghề truyền thống và mất đi một sản phẩm danh tiếng trăm năm tuổi, nổi danh khắp miền Nam, một doanh nhân trẻ đã về với làng. Mê truyền thống cha ông và mê cả thứ “ngự tửu” say nồng, anh Trần Anh Thuy đã miệt mài bàn với từng nghệ nhân cao tuổi và những người trẻ tâm huyết trong làng, trước khi thực hiện một việc làm táo bạo: Quy chuẩn chất lượng sản phẩm lâu đời danh tiếng của Phú Lễ.

Cụ Hạ Chí Luông chia sẻ cách mà “người trẻ” đã làm: “Từ sau đó, mỹ tửu Phú Lễ được sản xuất theo phương thức mới bằng cách kết hợp giữa phương pháp ủ kháp truyền thống và công nghệ hiện đại. Ở Phú Lễ hiện nay, có gần 100 hộ đang cùng anh Anh Thuy thực hiện việc gìn giữ và chuẩn hóa sản phẩm của quê nhà.

Theo chân “hậu nhân” của làng nghề trăm tuổi – doanh nhân trẻ Trần Anh Thuy, chúng tôi mới biết mô hình này đã được nhiều làng nghề danh tiếng tại Pháp, Úc, Mỹ, Nhật thực hiện.

Rót cho chúng tôi thử mỹ vị trăm năm, nghệ nhân Ba Dân không giấu niềm tự hào: “Làng nghề còn là nhờ tâm huyết của thế hệ trẻ đầy tâm huyết, nếu không chắc chúng tôi không thể an lòng. Để giữ được làng nghề, đưa danh tiếng Phú Lễ vươn xa, để khách ở mọi miền thưởng thức phải trầm trồ là biết bao trăn trở và tâm huyết của những người trẻ tuổi”.

(Theo 24h.com.vn)